Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong thiết kế nội thất, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tác động đến cảm xúc, tâm trạng của con người. Việc lựa chọn và kết hợp màu sắc một cách hài hòa có thể biến đổi không gian sống, tạo nên sự cân bằng và phong cách riêng biệt. Hiểu rõ các nguyên tắc phối màu nội thất sẽ giúp bạn thiết kế không gian sống đẹp mắt, thoải mái, phù hợp với sở thích cá nhân
MỤC LỤC
- Phối màu trong thiết kế nội thất là gì?
- Các nguyên tắc phối màu nội thất
- Nguyên tắc phối màu đơn sắc (Monochromatic Color Scheme)
- Phối màu tương đồng (Analogous Color Scheme)
- Nguyên tắc phối màu tương phản (Complementary)
- Nguyên tắc phối màu bổ túc xen kẽ (Split-complementary colors)
- Nguyên tắc phối màu bổ túc bộ 3 (Triadic Color Scheme)
- Nguyên tắc phối màu bổ túc bộ 4 (Tetradic Color Scheme)
- Quy tắc phối màu 60-30-10
Phối màu trong thiết kế nội thất là gì?
Phối màu trong thiết kế nội thất là quá trình lựa chọn và kết hợp màu sắc nhằm tạo ra một không gian thẩm mỹ, cân bằng, hài hòa. Việc này không chỉ dựa vào sở thích cá nhân mà còn phải xem xét các yếu tố quan trọng như:
- Chức năng không gian: Mỗi không gian có yêu cầu màu sắc riêng, ví dụ phòng ngủ thường ưu tiên màu nhẹ nhàng, trong khi phòng làm việc cần màu kích thích sự tập trung.
- Kích thước không gian: Màu sáng giúp không gian trông rộng hơn, trong khi màu tối tạo cảm giác ấm cúng nhưng có thể làm không gian nhỏ lại.
- Ánh sáng tự nhiên & nhân tạo: Ánh sáng ảnh hưởng trực tiếp đến cách màu sắc hiển thị trong không gian.
- Phong cách thiết kế: Màu sắc cần phù hợp với phong cách tổng thể. Phong cách hiện đại có màu sắc khác với phong cách tân cổ điển
- Ảnh hưởng tâm lý & cảm xúc: Màu sắc có thể tác động đến cảm xúc, ví dụ màu xanh mang lại sự thư giãn, trong khi màu đỏ thể hiện sự năng động.
Các nguyên tắc phối màu nội thất
Thiết kế nội thất không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn đồ đạc và sắp xếp không gian sao cho hợp lý, mà còn đòi hỏi sự chú trọng đến màu sắc. Màu sắc không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn tác động trực tiếp đến cảm xúc, tạo nên bầu không khí hài hòa hoặc năng động cho không gian sống. Dưới đây là tổng hợp những nguyên tắc phối màu trong thiết kế nội thất giúp bạn tạo nên không gian đẹp mắt, cân bằng và phù hợp với phong cách riêng.
Nguyên tắc phối màu đơn sắc (Monochromatic Color Scheme)
Phối màu đơn sắc là một trong những quy tắc phối màu đơn giản, phổ biến nhất. Nó dựa trên một màu chủ đạo và biến thể của màu đó. Ví dụ bạn sử dụng màu vàng là màu chủ đạo và sử dụng các tông màu vàng khác nhau hoặc thay đổi độ đậm nhạt của màu vàng để tạo sự đa dạng trong thiết kế. Ví dụ
- Màu chủ đạo: Vàng
- Tường: Màu vàng nhạt hoặc vàng pastel để tạo nền nhẹ nhàng.
- Sofa: Sử dụng vàng mustard hoặc vàng đất để làm điểm nhấn.
- Bàn trà: Chọn màu gỗ tự nhiên hoặc vàng cát để giữ sự hài hòa.
- Đèn trang trí: Đèn ánh sáng vàng ấm giúp không gian trở nên sang trọng và ấm cúng hơn.
Phối màu đơn sắc thường tạo sự thống nhất và tĩnh lặng cho không gian. Nó thích hợp cho những người ưa chuộng sự đơn giản và không gian thanh thoát, không quá nhiều yếu tố rườm rà.

Phối màu tương đồng (Analogous Color Scheme)
Phối màu tương đồng (Analogous) là quy tắc kết hợp các màu nằm gần liền kề nhau trên bánh xe màu, giúp tạo nên sự hài hòa tự nhiên trong thiết kế. Ví dụ, một không gian có thể kết hợp xanh lá cây, xanh dương và xanh lam mang lại cảm giác thư giãn mà vẫn có điểm nhấn ấn tượng.
Phối màu tương đồng thường tạo ra cảm giác dễ chịu, thư thái, do các màu có sự tương đồng về sắc thái, giúp không gian trở nên mềm mại và cân bằng. Chúng phù hợp với những người muốn tạo ra không gian nội thất mang cảm giác thư giãn, bình yên nhưng vẫn mang nhiều điểm nhấn đặc sắc.

Nguyên tắc phối màu tương phản (Complementary)
Phối màu tương phản là việc sử dụng 2 màu đối lập trên bánh màu. Các màu sắc đối lập nhau là các màu sắc nằm đối diện nhau trên vòng tròn màu sắc, ví dụ như xanh dương và cam, đỏ và xanh lá cây hoặc tím và vàng. Khi sử dụng chúng cùng nhau, chúng tạo ra một sự đối lập mạnh mẽ và tạo điểm nhấn cho không gian. Nó thích hợp cho những người muốn làm cho không gian sống trở nên nổi bật và đầy sức sống.
Tuy nhiên, khi sử dụng phối màu tương phản, cần phải chú ý đến tỷ lệ và sự cân bằng giữa các màu sắc. Việc sử dụng quá nhiều các màu sắc đối lập nhau có thể dẫn đến sự khó chịu cho mắt và làm mất đi tính hài hòa của thiết kế.

Nguyên tắc phối màu bổ túc xen kẽ (Split-complementary colors)
Nếu bạn muốn không gian nội thất của mình thu hút, gây ấn tượng mạnh với người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên, thì phối màu bổ túc xen kẽ sẽ là lựa chọn lý tưởng. Nguyên tắc phối màu này sử dụng ba màu nằm ở ba góc khác nhau trên vòng tròn màu, tạo thành một tam giác cân, mang lại sự hài hòa và sinh động cho thiết kế.

Nguyên tắc phối màu bổ túc bộ 3 (Triadic Color Scheme)
Phối màu bổ túc bộ 3 là việc sử dụng ba màu sắc cách đều nhau trên bánh xe màu, tạo thành một hình tam giác đều. Ví dụ, một phối màu tam giác có thể bao gồm đỏ, vàng và xanh dương. Khi áp dụng phối màu tam giác, cần chú ý đến sự cân bằng giữa các màu sắc. Việc sử dụng quá nhiều màu có thể làm mất đi tính tương phản và không gian của thiết kế.

Nguyên tắc phối màu bổ túc bộ 4 (Tetradic Color Scheme)
Phối màu bổ túc bộ 4 là việc sử dụng bốn màu cách đều nhau trên bánh màu. Đây là một phối màu khó điều chỉnh, nhưng nếu được thực hiện đúng cách, nó có thể tạo ra một không gian sống độc đáo, nổi bật. Phối màu bổ túc bộ 4 tạo ra sự đa dạng màu sắc và sự tương phản mạnh mẽ. Nó thích hợp cho những người muốn tạo ra không gian nội thất cá nhân hóa, độc đáo.

Quy tắc phối màu 60-30-10
- 60% màu chủ đạo: Đây là màu sắc chiếm phần lớn trong không gian, thường được áp dụng cho các mảng lớn như tường, sàn, trần nhà hoặc các bề mặt lớn khác. Màu chủ đạo thường là những gam màu trung tính hoặc nhã nhặn, tạo nền tảng cho không gian và mang lại cảm giác thoải mái, rộng rãi, thống nhất.
- 30% màu phụ: Màu này bổ sung cho màu chủ đạo, chiếm khoảng 30% không gian. Màu phụ thường được sử dụng cho các chi tiết nội thất như ghế sofa, rèm cửa, bàn, tủ hoặc các mảng trang trí khác. Màu phụ nên là màu tương phản hoặc đậm hơn màu chủ đạo để tạo điểm nhấn và sự sinh động cho không gian.
- 10% màu nhấn: Đây là màu sắc được sử dụng để tạo điểm nhấn, chiếm khoảng 10% không gian. Màu nhấn thường được áp dụng cho các chi tiết nhỏ như gối tựa, tranh treo tường, đèn, hoa hoặc các phụ kiện trang trí khác. Màu nhấn nên là màu nổi bật nhất, tạo sự tương phản và thu hút sự chú ý, đồng thời thể hiện cá tính, phong cách riêng của chủ nhân.
Việc áp dụng quy tắc 60-30-10 giúp tạo ra một không gian cân đối, hài hòa và thẩm mỹ, đồng thời giúp người thiết kế dễ dàng lựa chọn và kết hợp màu sắc một cách hiệu quả. Tuy nhiên, quy tắc này không phải là bắt buộc, có thể linh hoạt điều chỉnh tùy theo sở thích cá nhân, phong cách thiết kế, mục đích sử dụng không gian. Ví dụ, trong một số trường hợp, bạn có thể sử dụng nhiều hơn ba màu sắc hoặc thay đổi tỷ lệ màu sắc để tạo ra những không gian độc đáo, sáng tạo hơn.

——————————————————–
CÔNG TY CỔ PHẦN KIẾN TRÚC VÀ XÂY DỰNG MASHOME
Địa chỉ:
- Trụ sở Hà Nội: Toà nhà Số 619, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
- Trụ sở HCM: Số 238 Đường 14, Phường Phước Bình, TP. Thủ Đức, TP. HCM.
- Xưởng sản xuất Nội thất: Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội
Hotline: 0989.151.333
Website: https://Mashome.com.vn
Email: [email protected]